(ĐTCK) Để thu hút dòng vốn lớn quốc tế, các doanh nghiệp và TTCK Việt Nam phải hướng đến chuẩn mực phát triển xanh. Nhưng vì sao phải xanh và cần bắt đầu từ đâu để mỗi chủ thể, mỗi doanh nghiệp đưa được ý niệm “xanh” vào hành động? Báo Đầu tư Chứng khoán đi tìm sự chia sẻ của Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, cho hai câu hỏi đó.
Xanh vì xu thế, xanh vì nhân văn
Tiếp chúng tôi sau giờ làm việc, vẫn phong thái của một người phụ nữ đôn hậu, bà Lan cười tươi như hoa nắng và hỏi thăm những câu chuyện gia đình. Nói về phát triển xanh, theo bà Lan, là tâm huyết và giấc mơ tương lai của nhiều chủ thể.
Nhưng để đi đến ngày “xanh” ấy sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn nâng tầm chuyên nghiệp và văn minh từ hoạt động của mỗi chủ thể, cũng như cách các chủ thể tương tác với xã hội, với môi trường xung quanh.
Với chủ thể mang sứ mệnh là trung tâm của sự phát triển kinh tế – các doanh nghiệp, vì sao phải “xanh”? Bà Lan cho rằng, chuẩn mực đầu tư quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, hướng đến các doanh nghiệp xanh và có tiềm năng phát triển bền vững.
Thực tế, hàng nghìn quỹ đầu tư quốc tế đã ký cam kết đầu tư xanh và ở Việt Nam, một số quỹ lớn như Dragon Capital cũng đã đưa ra những tiêu chí xanh khi xem xét đầu tư vào mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam muốn thu hút dòng vốn lớn thì việc chuẩn bị cho những bước đi xanh là không thể không làm.
Cùng với đó, liên quan đến khía cạnh đời sống, phát triển kinh doanh xanh mang ý nghĩa nhân văn khi các doanh nghiệp tạo nên giá trị mới cho mình, nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và xã hội.
“Tư duy kinh doanh này nếu được thực thi thì các doanh nghiệp không chỉ góp sức tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, không chỉ đóng góp cho tăng trưởng GDP đất nước, mà còn góp sức cho cuộc sống nhân sinh bền vững, an lành”, bà Lan nói.
Tại Việt Nam, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến 2020, trong đó định hướng việc xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Mục tiêu của tăng trưởng xanh là do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Những năm qua, theo bà Lan, câu chuyện về “xanh” được nhiều bộ, ngành đề cập, nhưng dường như vẫn thiếu sự nỗ lực đủ mạnh để kết nối và đốc thúc cả hệ thống cụ thể hóa khát vọng này thành hiện thực, bắt đầu từ những sản phẩm riêng của từng bộ, ngành, sau đó lan tỏa ra nền kinh tế.
Ở nước ngoài, chuỗi hành động cho mục tiêu tăng trưởng xanh dễ thấy hơn. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, để phát triển nguồn năng lượng điện từ quạt gió, chính phủ nước này ra đầu bài cho các doanh nghiệp xây dựng phương án tìm vốn và tìm đối tác chiến lược với sự hỗ trợ không phải bằng thuế hay trợ giá, mà bằng việc cam kết bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp trong 5 năm liên tiếp.
Các doanh nghiệp được khích lệ như vậy sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm đối tác, kêu gọi các nguồn lực tài chính để hình thành nên một ngành công nghiệp điện sạch, phục vụ cho phát triển đất nước.
Tại Việt Nam, bà Lan cho rằng, nếu mỗi bộ, ngành xây dựng được một số sản phẩm xanh cụ thể và nỗ lực đưa sản phẩm thành hiện thực thì rất có thể sẽ tạo nên trào lưu phát triển xanh trên chặng đường thực thi Chiến lược đến năm 2020 mà Thủ tướng đã định.
Khát vọng chứng khoán xanh
TTCK Việt Nam trải qua 18 năm hoạt động với nhiều giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và điểm chỉ số. Tăng mạnh trên nhiều chỉ tiêu đánh giá, nhưng chứng khoán Việt đã xanh chưa?
Theo bà Lan, xanh hóa chứng khoán là một quá trình, ở đó, những hạt mầm đầu tiên đã được gieo từ một dự án hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ). Từ dự án này, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh và đến năm 2016, lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương.
Hai địa phương đầu tiên là TP.HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đồng ý triển khai đề án, đến nay đã phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho các dự án. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và nhiều địa phương khác, tiềm năng thu hút vốn cho đầu tư phát triển là rộng mở nếu có dự án xanh thực sự, góp sức cho phát triển địa phương và đất nước.
Nếu như trái phiếu xanh đã có những hạt giống đầu tiên như vậy, thì các doanh nghiệp phải làm gì để gieo những hạt giống cho cổ phiếu xanh? Theo bà Lan, doanh nghiệp xanh trước hết phải “xanh” ở tư duy quản trị.
Bà Lan dẫn ra bài học từ nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khi doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng quản trị hiện đại, nhưng giữa con người với con người lại cư xử ấm áp như một gia đình. Chung tầm nhìn dài hạn và hướng đến những khát vọng cao cả, chứ không phải chỉ là tìm ra nhiều lợi nhuận trong một giai đoạn nhất định của sự phát triển.
“Để có những doanh nghiệp lành mạnh và trường tồn, văn hóa và tư duy quản trị nhân sự của người Nhật là điểm doanh nghiệp Việt đáng học hỏi”, bà Lan nói.
Rõ ràng, sẽ thật khó mong sàn chứng khoán giữ vững đà tăng trưởng cao và xanh lâu dài nếu nội tại các chủ thể trên TTCK, đặc biệt là khối doanh nghiệp không bước theo con đường phát triển xanh.
Con đường đó, theo bà Lan, rất cần tiếp tục được các cơ quan quản lý khích lệ, cũng như mỗi chủ thể cụ thể hóa bằng sản phẩm, bằng hành động. Có như vậy mới mong đến năm 2020, sắc xanh của phát triển bền vững được rõ nét hơn trong bức tranh của nền kinh tế, tạo đà lan tỏa khát vọng phát triển bền vững trong tầm nhìn dài hạn hơn.
tinnhanhchungkhoan.vn_Theo Tường Vi